Pháp cấm các siêu thị và cửa hàng bán dưa chuột bọc màng nhựa, ớt, cà rốt và tỏi tây trong bao bì nhựa. Tổng cộng có 30 loại trái cây và rau củ trong danh sách, trong đó có chuối, lê, chanh, cam và kiwi.
Các loại rau củ quả đóng gói trên 1,5 kg và trái cây cắt nhỏ hoặc sơ chế không bị cấm. Một số loại như cà chua bi hoặc trái cây mềm như mâm xôi hay việt quất được phép trì hoãn tuân thủ lệnh cấm để các nhà sản xuất tìm giải pháp loại bỏ và thay thế bao bì nhựa. Tất cả các loại trái cây và rau củ sẽ bị cấm bọc nilon vào năm 2026.
Ước tính 37% trái cây và rau củ bày bán ở Pháp năm 2021 được bọc màng nilon. Chính phủ Pháp cho rằng lệnh cấm sẽ cắt giảm hơn một tỷ mặt hàng đóng gói bằng nhựa dùng một lần mỗi năm. Bộ Môi trường Pháp nhận định phải có biện pháp hạn chế "lượng nhựa sử dụng một lần nhiều quá mức trong đời sống hàng ngày".
Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi lệnh cấm đóng gói bao bì nhựa với thực phẩm tươi sống là "cuộc cách mạng thực sự" và cho hay Pháp đang dẫn đầu toàn cầu khi ban hành luật loại bỏ dần mọi loại nhựa dùng một lần trước năm 2040.
"Lệnh cấm phải mang tính công bằng và phù hợp. Thật đáng tiếc khi vẫn cho phép một số loại trái cây và rau củ nhất định có thời gian trì hoãn. Khí hậu đang trong tình huống khẩn cấp. Ai cũng nhận thức được cần phải hành động cấp thiết để giải quyết vấn đề này", Moïra Tourneur, giám đốc vận động chính sách của tổ chức phi chính phủ Không rác thải tại Pháp, nhận xét.
Theo kết quả thăm dò năm 2019 mà Ifop thực hiện cho Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Pháp, 85% người dân ủng hộ cấm sử dụng sản phẩm và bao bì nhựa dùng một lần. Hơn hai triệu người đã ký vào bản kiến nghị của WWF kêu gọi chính phủ các nước chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Trong các bài đăng trên mạng xã hội, người tiêu dùng phản ánh những điều vô lý như bọc dừa trong nhiều lớp màng nhựa hay bọc từng quả chuối trong màng nhựa.
WWF, tổ chức liên tục vận động về tác hại của nhựa lên đa dạng sinh học và sinh vật biển ở Địa Trung Hải và đại dương khắp thế giới, ca ngợi luật của Pháp là "bước đi tích cực và đúng hướng", đồng thời nhắc nhở rằng còn nhiều vấn đề hơn cần làm để chấm dứt ô nhiễm nhựa, trong đó có vi nhựa (hạt nhựa nhỏ).
Pierre Cannet, giám đốc vận động của WWF Pháp, nhận xét luật đã gửi đi thông điệp tích cực và "đặt nhựa vào trọng tâm cuộc tranh luận quốc gia".
"Chúng ta vẫn còn rất xa viễn cảnh nền kinh tế không có nhựa, cũng như còn cần thực hiện nhiều biện pháp để loại bỏ ô nhiễm nhựa", ông nói.
Camilla Zerr, nhà vận động loại bỏ nhựa của tổ chức Bạn bè Trái Đất tại Anh, xứ Wales và Bắc Ireland kêu gọi "tất cả nước thuộc Vương quốc Anh thực hiện tương tự và không bị tụt lại phía sau".
"Thật lạ là ở Vương quốc Anh, các hãng lớn bán trái cây và rau củ bọc màng nhựa nhưng ở trong cửa hàng góc phố, ta có thể mua được nhiều loại trái cây và rau củ bày bán mà không hề bọc màng nhựa, chứng tỏ hoàn toàn có thể bán rau củ quả mà không dùng nilon", cô nói.